Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2030

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 theo Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020.



Mục tiêu chung của Chương trình nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (năng suất chất lượng) trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 65%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 600 chuyên gia năng suất chất lượng tại các bộ, cơ quan, địa phương và doanh nghiệp.

Giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 70-75%; đào tạo, chứng nhận đạt tiêu chuẩn cho khoảng 1.000 chuyên gia năng suất chất lượng, trong đó có khoảng 200 chuyên gia được chứng nhận đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Giai đoạn 2021-2030, số doanh nghiệp được hỗ trợ các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho doanh nghiệp tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 doanh nghiệp được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách, các giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy, nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng. Đẩy mạnh phổ biến, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, nhất là các công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh vào doanh nghiệp. Tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao trong hoạt động nâng cao năng suất chất lượng. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động của Giải thưởng chất lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cơ bản, đẩy mạnh áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng đặc thù cho ngành, lĩnh vực, tiêu chuẩn về các hệ thống quản lý mới được công bố. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P). thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh...

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước (chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển của ngân sách nhà nước) và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác thẹo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các bộ, cơ quan, địa phương lập dự toán ngân sách hàng năm và quản lý kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, điều hành hoạt động của Chương trình; hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình.

Đối với địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm chỉ định cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình. Xây dựng kế hoạch 5 năm, hằng năm thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc thẩm quyền quản lý nhằm nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương.  Bố trí kinh phí, huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan. 

Phòng TBT tổng hợp


Các tin tiếp
Định hướng về hoạt động chứng nhận sản phẩm Halal nhận được sự quan tâm của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tỉnh Bình thuận để nâng cao năng suất   (10/4/2024)
Sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại   (16/1/2024)
Tham dự hội nghị tuyên truyền phổ biến thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế   (6/12/2023)
Nhiều doanh nghiệp vẫn ‘thờ ơ’ với phòng vệ thương mại   (7/7/2022)
Hỗ trợ thực hiện thủ tục về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa   (23/9/2021)
QR Code – Giải pháp thông minh truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong đại dịch Covid-19   (17/9/2021)
Quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030   (10/6/2021)
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2030   (22/9/2020)
Gian lận mã số vùng trồng nông sản Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu   (15/9/2020)
Đề án "Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại"   (18/3/2020)
Cảnh báo đối với Quy định Thực thi của EU về việc biểu thị tên nước xuất xứ của thành phần chính của thực phẩm   (4/6/2018)
DN sắp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa sang EU   (2/5/2018)
Tổng quan các Hiệp định Thương mại tự do của Việt Nam và các nước đối tác   (9/10/2017)
Xuất khẩu điều vào EU sẽ đạt 1 tỷ USD trong năm 2017   (8/6/2017)
Cơ hội cho rau quả Việt Nam rộng đường sang UAE   (8/6/2017)
Cơ hội lớn cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Ai Cập   (8/6/2017)
Xuất khẩu hàng hóa Bình Thuận: Châu Á vẫn là trọng điểm   (20/4/2017)
Qui định về kiểm dịch khi nhập khẩu hàng hoá vào Úc (phần 2)   (21/7/2015)
Đàm phán của WTO về định nghĩa tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bị đình trệ   (21/7/2015)
FDA cho phép bức xạ ion hóa để kiểm soát vi khuẩn trong giáp xác   (21/7/2015)
Thanh long Việt Nam được phép nhập khẩu vào New Zealand   (21/7/2015)
Thủ tục nhập khẩu hàng hóa vào Nhật Bản   (21/7/2015)
Hàng rào kỹ thuật thương mại: Nắm không chắc sẽ gặp khó   (21/7/2015)
Chỉ kiểm tra giấy kiểm dịch cho thủy sản xuất khẩu sang 7 thị trường   (21/7/2015)